Đọc báo tại khu trưng bày "Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm".
Nằm ngay ngã tư Ngũ Xã - Trúc Bạch, một không gian đặc biệt mang tên "Tuyến tàu điện số 6 - Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm" là điểm đến mang nét hoài cổ.
Đây là dự án do UBND phường Trúc Bạch (quận Ba Đình, Hà Nội) chỉ đạo triển khai, mở cửa đón khách tham quan miễn phí, nhằm tái hiện không khí Hà Nội xưa và giới thiệu văn hóa, ẩm thực Việt Nam.
Toa đầu tiên của “Tuyến tàu điện số 6” với chủ đề về thời kì Bao cấp.
Dự án "Tuyến tàu điện số 6" được đặt tên dựa trên ý tưởng về một tuyến tàu điện tiếp nối sứ mệnh của hệ thống 5 tuyến tàu điện mặt đất của Hà Nội xưa, đã ngừng hoạt động từ năm 1991. Đây là một phần ký ức không thể quên của người dân Thủ đô sống ở thế kỷ trước.
Hà Nội từng có mạng lưới tàu điện mặt đất với 5 tuyến, chạy từ những năm 1901 - 1991. Từ năm 1984 - 1985, Công ty Xe điện Hà Nội ra mắt tàu điện bánh hơi, không chạy trên đường ray. Tàu điện bánh hơi có thể chạy trên bất kỳ tuyến đường nào ở Thủ đô dù có đường sắt điện một chiều.
“Tuyến tàu điện số 6” lấy ý tưởng về hệ thống tàu điện mặt đất đã ngừng hoạt động của Hà Nội xưa.
Toa tàu đầu tiên của "tuyến tàu điện số 6" mang tên "Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm", lấy chủ đề về thời kỳ bao cấp. Tất cả các đồ vật trưng bày trong toa tàu đều là những món đồ thật từ thời bao cấp, đồ sưu tầm hoặc được người dân địa phương quyên góp. Bên cạnh đó là một số mô hình món ăn trong bữa cơm gia đình thời bao cấp.
Về cấu trúc, không gian hoài cổ này gồm 2 tầng. Tầng 1 của toa xe điện là không gian trưng bày các hiện vật xưa cũ như một "bảo tàng thu nhỏ". Tầng 2 là khu vực để du khách thưởng thức ẩm thực và ngắm cảnh. Ngoài ra còn có khu vực sạp báo, đánh cờ... để du khách trải nghiệm.
Không gian bên trong của “Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm” trưng bày các hiện vật từ thời kì này.
Nhiều người lầm tưởng rằng toa tàu này là xe khách hoặc xe buýt cũ được cải tạo lại. Tuy nhiên, đây hoàn toàn là một chiếc tàu điện được lắp ráp mới, bám sát với thiết kế và cấu trúc của tàu điện Hà Nội xưa.
Xung quanh khu vực bố trí Toa Bao cấp còn có các góc trưng bày khác nhưng Rạp chiếu bóng lưu động, khu bảng tin "Không có gì quý hơn độc lập - tự do", khu vực trưng bày các mẫu xe đạp Phượng hoàng, xe đạp Thống nhất của thời bao cấp...
Không gian bên ngoài Toa Bao cấp là khu vực sạp báo, bàn uống nước, bàn đánh cờ...
Anh Phạm Thanh Tùng, đại diện đơn vị quản lý vận hành không gian trưng bày, chia sẻ: "Nhiều người lớn tuổi, từng sống ở thời bao cấp khi thấy lại những đồ dùng, tranh ảnh, món ăn của thời này đã rưng rưng nước mắt vì cảm động.
Còn đối với các bạn trẻ, đây là cơ hội để các bạn được tận mắt trông thấy, trải nghiệm những món đồ của thời bao cấp xưa, qua đó càng trân quý hơn thế hệ đi trước đã cho ta cuộc sống ấm no, đủ đầy hiện tại".
Theo anh Tùng, những đồ dùng được trưng bày tại đây có cả đồ viện trợ từ nước ngoài, hoặc đồ chế tạo từ xác máy bay, vỏ đạn... thời chiến tranh.
"Người dân ta đã sử dụng những phế liệu không tưởng ấy để tạo thành các đồ vật hàng ngày như cốc uống nước, lọ cắm hoa", anh giải thích.
Ngoài là một không gian trưng bày các hiện vật xưa cũ, Toa Bao cấp còn phục vụ các món ăn, đồ uống mang đậm hương vị của Hà Nội xưa. Thực đơn của toa này tương đối đa dạng với các món giải khát như trà đá, chè xanh, nhân trần với giá chỉ từ 5.000 đồng.
Thực đơn còn có các món ăn vặt quen thuộc của thế hệ cũ như bánh gai, bánh gio mật mía, chè lam, bánh nhãn, kẹo lạc, mứt chuối, nem chua... với giá từ 10.000 đến 60.000 đồng.
Toa Bao cấp còn phục vụ đồ uống và các món ăn vặt quen thuộc.
Dự án "Tuyến tàu điện số 6" không chỉ dừng lại ở "Toa Bao cấp". Theo kế hoạch, dự án có 8 toa tàu được bố trí dọc theo đường Trúc Bạch. Mỗi toa sẽ mang một chủ đề ẩm thực đặc trưng của Việt Nam như cơm, phở, cà phê, trà, bánh mì. Các toa xe như tạo thành những chuyến tàu chở di sản, "bảo tàng mini" về văn hóa, ẩm thực
Ông Anh Dũng, 67 tuổi, người dân ở phường Trúc Bạch chia sẻ: "Nhìn lại những đồ vật ngày xưa, tôi rất xúc động. Mô hình này như giúp tôi sống lại những ký ức, gợi nhớ về một thời vất vả chúng tôi đã trải qua".
Olivia, du khách đến từ Mỹ, vô cùng bất ngờ khi thấy những hiện vật như xe đạp cũ, quạt con cóc, mô hình món ăn như cơm độn khoai, cơm nguội chan nước phở...
"Tôi thấy khá thú vị. Tuy tôi không biết nhiều về thời kì này nhưng qua những hiện vật và lời thuyết minh trên các bảng chỉ dẫn, tôi nghĩ các bạn đã trải qua một thời kì khá khó khăn nhưng cũng đầy đáng nhớ", cô nói.
Các hiện vật ngày xưa khiến nhiều du khách nước ngoài thích thú.
Về kế hoạch phát triển dự án, anh Tùng khẳng định dự án "Tuyến tàu điện số 6" sẽ hoạt động lâu dài, với tầm nhìn biến nơi đây thành một khu phố văn hóa - ẩm thực, một điểm du lịch hấp dẫn hàng đầu của Thủ đô Hà Nội.
"Toa Bao cấp: Bếp - Chạn - Mâm" mở cửa miễn phí từ 15h đến tới 22h mỗi ngày, tại ngã tư Ngũ Xã - Trúc Bạch, quận Ba Đình, Hà Nội. "Tuyến tàu điện số 6" hứa hẹn sẽ là điểm đến không thể bỏ qua đối với những ai muốn tìm hiểu về lịch sử, văn hóa và ẩm thực Việt Nam, đồng thời là nơi để các thế hệ người dân gặp gỡ, chia sẻ và kết nối.
Laodong.vn